Scrum Master là gì? Scrum Master làm gì?

29 Tháng Năm, 2022
Posted in News
29 Tháng Năm, 2022 Linh Nguyen Phuong

Scrum Master là gì? Scrum Master làm gì?

Các vai trò trong Scrum được phân chia một cách rõ ràng. Cụ thể, khi so sánh với nhóm đua thuyền rồng, Scrum Master được so sánh với người giữ nhịp để nhóm đạt hiệu quả tốt nhất trong cả cuộc thi.

Scrum Master là gì?

Khác với Project Manager (PM) giao việc và kiểm soát, Scrum Master là người tạo điều kiện cho Development Team, Tổ chức và Product Owner phối hợp với nhau tạo ra sản phẩm tốt nhất.

Scrum Master là:

  • Lãnh đạo phục vụ
  • Cố vấn
  • Nhân tố thay đổi
  • Người giải quyết vấn đề

Scrum Master làm gì?

Scrum Master phục vụ các đối tượng khác nhau với các công việc khác nhau, các công việc này thay đổi theo các giai đoạn của quá trình phát triển.

Đầu tiên, Scrum Master làm việc với Tổ chức để chuẩn bị và có thể bắt đầu áp dụng Scrum. Đồng thời, Scrum Master tập trung vào việc xây dựng Development Team cùng với huấn luyện, giúp đỡ Product Owner để đưa nhóm đi vào hoạt động. Ở giai đoạn này, các công việc liên quan đến kỹ thuật phát triển chỉ dừng lại ở mức tối thiểu, đảm bảo vẫn hoàn thành được công việc.

Sau đó, Scrum Master có thể tạm thời gác lại những công việc liên quan đến Tổ chức để tập trung vào việc giúp Development Team làm việc ổn định hơn, từng bước nâng cao các kỹ năng của từng cá nhân và của cả Team. Dần dần Scrum Master có thể giới thiệu và hỗ trợ Team áp dụng các kỹ thuật phát triển để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Khi nhóm Scrum đã thực sự ổn định và vận hành tốt, Scrum Master có thể toàn tâm toàn ý để tập trung vào việc tìm kiếm, giới thiệu và hỗ trợ Team áp dụng các kỹ thuật phát triển tốt hơn. Cùng với đó là hoạt động để mở rộng Scrum ra Tổ chức, giao tiếp và trao đổi giữa các nhóm. Hướng đến việc phát triển Scrum bền vững.

Scrum Master phục vụ Development Team

  1. Đào tạo căn bản Scrum trong trường hợp các thành viên chưa biết về khung làm việc này.
  2. Đảm bảo Development Team thực hiện tốt các sự kiện trong Scrum.
  3. Hỗ trợ Development Team tìm kiếm và sử dụng hiệu quả các công cụ hỗ trợ phát triển.
  4. Bảo vệ nhóm phát triển trước những can thiệp từ bên ngoài trong quá trình triển khai 1 Sprint.
  5. Đảm bảo thông tin được minh bạch và thông suốt trong Development Team.
  6. Đảm bảo Development Team có đầy đủ các tài nguyên cần thiết phục vụ sản xuất.
  7. Tìm kiếm sự trợ giúp từ các chuyên gia bên ngoài khi Development Team gặp trở ngại.

Scrum Master phục vụ tổ chức

  1. Giúp nâng cao nâng cao năng lực Scrum trong tổ chức.
  2. Làm việc với các Scrum Master khác để lập kế hoạch triển khai Scrum trong phạm vi tổ chức, gia tăng hiệu quả của việc áp dụng Scrum trong tổ chức của mình.
  3. Giúp đỡ nhân viên và các bên hữu quan hiểu và sử dụng được Scrum cũng như quy trình phát triển sản phẩm thực nghiệm.
  4. Tạo ra sự thay đổi làm tăng năng suất của Nhóm Scrum.

Scrum Master phục vụ Product Owner

  1. Tìm kiếm các kỹ thuật hiệu quả để quản lý Product Backlog.
  2. Giao tiếp tích cực với Development Team về tầm nhìn, mục đích và các hạng mục của Product Backlog.
  3. Dạy cho Development Team biết cách tạo ra các hạng mục Product Backlog thật rõ ràng và đơn giản.
  4. Hiểu rõ việc lập kế hoạch dài hạn sản phẩm trong một môi trường thực nghiệm.
  5. Hiểu rõ và thực hành sự linh hoạt.
  6. Thúc đẩy các sự kiện Scrum theo yêu cầu hoach khi cần thiết.

Ví dụ công việc 1 ngày của Scrum Master:

  1. Đến văn phòng trước Nhóm phát triển 30 phút để chuẩn bị không gian làm việc, loại bỏ những trở ngại làm họ phân tâm.
  2. Dẫn dắt nhóm họp Scrum hằng ngày.
  3. Giải quyết khó khăn cho một vấn đề được nêu ra trong buổi họp Scrum hằng ngày với quản lý.
  4. Yêu cầu Product Owner phân tách một vài hạng mục to trong Product Backlog thành những hạng mục nhỏ hơn và thêm tiêu chí cấp nhận.
  5. Dạy cho Development Team một kỹ thuật mới.
  6. Thực hiện một hành động cải tiến đã đưa ra ở buổi Cải tiến Sprint trước đó.
  7. Gặp gỡ Product Owner để làm rõ và xem xét lại một số hạng mục trên cùng của Product Backlog.
  8. Trao đổi với chuyên gia về nghiệp vụ sản phẩm
  9. Cập nhật bảng công việc của nhóm
  10. Thảo luận với Product Owner về những nợ kỹ thuật mà do nhóm đã chấp nhận để hoàn thành một hạn chót trước đó.
  11. Ngăn một bên liên quan tới năn nỉ Development Team làm thêm một yêu cầu ngoài kế hoạch.
  12. Xây dựng đề cương để huấn luyện cho một thành viên mới.
  13. Huấn luyện cho một thành viên mới.
  14. Gặp gỡ với nhóm thực hành Scrum.
  15. Học một kỹ thuật mới.
  16. Ghi nhật ký nhóm.